G

0901 077 077

:

BÀI 28: TẦM NHÌN, MỤC TIÊU CỦA DOANH NGHIỆP.

Nếu ai đó nói với bạn 5 năm nữa em muốn trở thành giám đốc kinh doanh của một tập đoàn hàng đầu Việt Nam; 10 năm nữa em muốn làm CEO của một cty trong top 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Thì đó là tầm nhìn, là mục tiêu của họ.
Bài 28: Tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp Thế Giới Giấy
Bài 28: Tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp Thế Giới Giấy
  • Cũng giống như sự mệnh, tầm nhìn của một người, một doanh nghiệp thường là để nói về một hoặc vài mục tiêu cụ thể nào đó, một lý do để chúng ta tồn tại trên đời này. SỨ MỆNH thường là nói về một tương lai xa hơn, lớn hơn và không có con số cụ thể thì TẦM NHÌN nói về một mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được trong tương lai, tức là thứ để chúng ta xác định HƯỚNG ĐI trước khi quyết định CÁCH ĐI.
Dù việc lớn hay nhỏ, người học nhiều hay học ít, doanh nghiệp siêu nhỏ hay tầm cỡ thì vẫn cần phải có tầm nhìn. Nếu bạn sống mà không có tầm nhìn, mục tiêu gì cụ thể thì thử hỏi bạn sẽ đi đâu và về đâu? Câu trả lời chắc chắn sẽ là đi về một nơi vô định, không đầu, không cuối, cho đến khi cuối đời bạn cũng không biết mình thành công hay thất bại, đã đi đến đích hay vẫn đang ở vạch xuất phát…
  • Bố mẹ tôi ngày xưa mặc dù ít học nhưng vẫn có một tầm nhìn xa về giá trị của sự học. Ông bà biết cuộc sống này chỉ có một con đường duy nhất để thoát nghèo, thoát khỏi sự tù túng và bần hàn đó là HỌC. Vì vậy ông bà đã đặt ra cho mình một sứ mệnh rất rõ ràng đó là “Dù có thiếu ăn, thiếu mặc, dù có phải đói rét thì cũng phải cho 8 đứa con ăn học đến nơi đến chốn”. Đến nay, hơn 70 tuổi bố mẹ tôi có thể nhìn lại và nói rằng “Mình đã hoàn thành sứ mệnh”. Đó là một mục tiêu đúng đắn, một hướng đi sáng suốt, mặc dù 8 đứa con có người học cao, có người học thấp.
Giữa tầm nhìn và mục tiêu nó thường có một sự đan xen khó để phân định rạch ròi. Tuy nhiên, cơ bản tầm nhìn như là khát vọng của doanh nghiệp nói về một con đường xa; còn mục tiêu thường là cụ thể hóa tầm nhìn, trong từng giai đoạn phải làm gì, đạt được gì… mà người ta thường nói đặt mục tiêu phải SMART (Các bạn lên Google gõ Mục tiêu SMART là gì sẽ tha hồ đọc).

Ví dụ tầm nhìn của Thế Giới Giấy

  • TRỞ THÀNH NHÀ CUNG CẤP GIẤY TISSUE TIN CẬY NHẤT VIỆT NAM. Từ đó chúng tôi cụ thể hóa bằng 02 mục tiêu là: (1) Trở thành công ty dẫn đầu Việt Nam về giấy tissue trước năm 2025; Và (2) Vươn tầm quốc tế từ năm 2026.

Ví dụ về tầm nhìn của Vingroup

  • Vingroup định hướng phát triển thành một Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ hàng đầu khu vực, không ngừng đổi mới, sáng tạo để kiến tạo hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ đẳng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt và nâng tầm vị thế của thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
  • Từ tầm nhìn này Vingroup vạch ra mục tiêu năm nào làm bao nhiêu dự án, xây bao nhiêu khách sạn, mở bao nhiêu siêu thị…

Ví dụ tầm nhìn của Thiên Long

  • Đưa sản phẩm Thiên Long đến mọi miền đất nước và trên toàn thế giới.

Ví dụ tầm nhìn của Vinamilk

  • Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người.
  • Và cũng như vậy, từ tầm nhìn này, Thiên Long hay Vinamilk sẽ có những mục tiêu cụ thể cho từng ngành hàng, nhãn hàng, độ phủ, doanh thu, lợi nhuận… cho từng năm để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.
Suốt những năm đi học cao đẳng, hàng ngày rong ruổi khắp các con phố Saigon với chiếc xe đạp Martin tôi cứ mê mẩn chiếc xe máy Wave RS, cứ mỗi lần thấy ai đó chạy chiếc xe này là tôi nhìn theo cho đến khi nào nó chạy khuất thì thôi. Năm 2007 khi tốt nghiệp cao đẳng tôi đặt ra mục tiêu mỗi năm phải để dành được cỡ 2 triệu đồng để đến năm 2017 sẽ mua bằng được chiếc xe này. Đến nay tôi vẫn chưa thực hiện giấc mơ đó, nhưng ít nhất để mỗi khi nhìn lại tôi tự tin mình đã vượt qua được mục tiêu đó và sẵn sàng đặt ra những mục tiêu lớn hơn, xa hơn cho tương lai của mình.
Xây dựng một tầm nhìn, mục tiêu nó không khó như xác định sứ mệnh của cuộc đời, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, xây dựng tầm nhìn bạn cần phải trả lời thật rõ 03 câu hỏi gồm:
  • (1) Tầm nhìn đó mình có khả năng thực hiện hay không?
  • (2) Nó có phù hợp với năng lực lõi, sở trường của doanh nghiệp bạn hay không?
  • (3) Tầm nhìn đó có trùng lặp với đối thủ cạnh tranh của bạn hay không?

Câu hỏi thứ 3 nó sẽ liên quan rất nhiều đến việc xác định lợi thế cạnh tranh và đặc biệt là ĐỊNH VỊ doanh nghiệp của bạn so với đối thủ. Nếu đối thủ của bạn nhìn về hướng nào đó và bạn cùng nhìn về đó mà tiến thì khả năng cao cả đời này bạn sẽ núp váy đối thủ. Nếu xây dựng tầm nhìn mà bạn không trả lời 03 câu hỏi trên thì coi như bạn đang nhìn về một nơi ảo mộng, một nơi rất xa mịt mù mà không biết đó là kho báu hay vực thẳm.

#serieskhởinghiệp #chiếnlượckhácbiệt #thếgiớigiấy #ankhang #Roto #Japani #sachifarms.

Tác Giả: Mai Quốc Bình ( CEO Thế Giới Giấy)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x