Đến thời điểm này tôi có thể khẳng định đa số những người đọc bài của tôi họ đều có nhận xét dễ hiểu, rất nhiều người trong đó nói nó có giá trị với họ, nhiều người nói nó đã áp dụng vào công việc. Nhưng có một điều khá chắc chắn là có một cơ số người hiểu nhưng không biết áp dụng sao? Trả lời các câu hỏi trong các bài viết như thế nào? Và áp dụng sao cho nó bài bản? Dưới đây tôi sẽ chi tiết hóa cách áp dụng các bài viết. Cụ thể là tôi áp dụng nó vào chính các bài viết trong series bài khởi nghiệp.
SẢN PHẨM GÌ?
Sản phẩm của tôi là các bài viết chia sẻ những kiến thức, những trải nghiệm thực tế, những gì tôi đã áp dụng vào công việc kinh doanh.
Trong phạm vi series này tôi chỉ tập trung viết để làm sao đó một bạn Startup tìm ra được cho mình một sản phẩm gì đó, một cái gì đó, một thay đổi nào đó, một khác biệt nào đó để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh hoặc thay đổi về bản thân. Mặc dù tôi có thể viết những bài viết về Sales, marketing, nhưng tôi chỉ muốn tập trung vào trả lời một câu hỏi duy nhất là LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHỞI NGHIỆP? để tránh sự lan man, không áp dụng thực tế được => Cái gì cũng có mà không có cái gì.
Những bài viết trong series 100% là những việc tôi đã làm, những vấn đề tôi đã trải nghiệm, tôi không copy, không vay mượn của ai, cũng không đi định nghĩa lại những kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa => Tức là tôi không lấy đam mê/ sở thích của người khác để làm đam mê/ sở thích của mình.
Và tất nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện tại thì sẽ có rất nhiều Startup, có rất nhiều người quan tâm đến startup – một thị trường đủ lớn để quan tâm tương tác và chia sẻ các bài viết của tôi. Trong tương lai nếu tôi viết rộng ra những chủ đề về sales, marketing, xây dựng đội ngũ, quản trị người thân trong cty gia đình, những sai lầm của startup… thì vẫn có một lượng lớn những người quan tâm đến những bài viết của tôi => Dung lượng thị trường đủ lớn.
Tiếp theo nữa, những bài viết của tôi không phải là bài viết tốt nhất, xuất sắc nhất nhưng nó phù hợp với cộng đồng starup => Không cần sản phẩm tốt nhất, chỉ cần sản phẩm phù hợp.
Và rồi chắc chắn tỷ lệ những người quay lại quan tâm những bài viết của tôi ngày một nhiều, họ cũng tiếp tục quay lại tương tác những bai viết sau trong series. Và tôi tin nếu mai mốt tôi có viết những bài thứ 11, 12,… để chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm của tôi cũng sẽ có người tiếp tục quan tâm, đọc và tương tác => Tỷ lệ mua (đọc) lặp lại cao.
Các bài viết của tôi nội dung không hề mới, nó đã có hàng ngàn người viết trên khắp thế giới cả hàng chục năm nay, đặc biệt chủ đề dành riêng cho startup cũng nhan nhản trên mạng nhưng bài viết của tôi rất nhiều ví dụ, toàn là những ví dụ tôi đã làm hoặc từng trải qua => Đây là xu hướng của tương lai. Không chỉ vấn đề viết bài chia sẻ mà lĩnh vực kinh doanh nào cũng yêu cầu phải như vậy. Khách hàng ngày một thông minh, họ có nhiều thông tin và nhiều sự lựa chọn hơn và do đó họ chỉ lựa chọn những thứ mang lại GIÁ TRỊ THỰC cho họ. Họ không rảnh để quan tâm những vấn đề không mạng lại giá trị cho họ.
Xem lại nội dung bài 1: Bán cái gì?
BÁN CHO AI?
Người đọc mục tiêu của tôi trong series này là các Startup, tôi nói rõ là series bài viết tôi dành riêng cho khởi nghiệp và mọi thông điệp tôi đều gắn gửi cho khởi nghiệp. Nhưng bạn thấy đó, những người đọc bài của tôi đâu chỉ có Startup? Đâu chỉ có những người khởi nghiệp kinh doanh mới cần? => Nhắm đúng khách hàng mục tiêu.
Những người đi làm công ăn lương cũng rất cần nó. Nếu đi làm mà không biết mình là ai, mạnh cái gì, yếu cái gì? Mình phù hợp với chuyên môn gì? Để thăng tiến lên những vị trí cao hơn cần rèn luyện những kỹ năng/ tố chất gì? Mình có gì khác biệt?… Không trả lời được những câu hỏi đó tôi đố bạn phát triển và thăng tiến được. Nếu một người làm công việc Sales/ Marketing không biết sản phẩm của mình là gì, có cái gì đặc sắc? Không biết khách hàng mục tiêu của mình là ai? Không biết bán ở đâu, truyền thông kênh nào thì tôi đố bạn làm bán được hàng/ làm marketing hiệu quả!
Có những người làm kinh doanh một vài chục năm vẫn cần bài viết của tôi. Họ làm kinh doanh bao nhiêu năm rút cuộc cũng không biết khách hàng mục tiêu của mình là ai, khác biệt của mình là gì? Mình đang là doanh nhân hay con buôn? Sở trường của mình là gì?… cho đến trước khi đọc các bài viết của tôi.
Vậy bạn thấy đó, tôi chỉ làm truyền thông cho một đối tượng duy nhất là Starup, tôi không tốn nhiều công sức để trình bày, lôi kéo thuyết phục nhưng tôi vẫn có được một lượng lớn những người đọc là dân công sở, các ông chủ dạn dày kinh nghiệm đọc bài của mình. Vì tôi đã làm cho họ tò mò startup là gì mà ghê vậy? Khởi nghiệp có phải toàn màu hồng không? Khởi nghiệp khó hay dễ? Muốn khởi nghiệp cần gì?… Vậy là họ vào đọc xem mình có khởi nghiệp được không? Họ đọc xem suốt bao nhiêu năm mình làm kinh doanh có dính mấy vấn đề như tôi nói không? Đọc xong họ mới thấy, cái này đâu phải chỉ dân khởi nghiệp mới cần? Mình dân công sở/ mình làm kinh doanh lâu năm rồi cũng rất cần mà!?
=> Không cần chào mời nhiều vẫn bán được hàng, chi phí marketing không nhiều nhưng vẫn hiệu quả.
Xem lại nội dung: Bài 2: Bán cho ai?
BÁN Ở ĐÂU?
Bạn thấy đó, bài viết của tôi chỉ có một kênh chia sẻ duy nhất đó là Facebook. Tôi tập trung vào trang cá nhân của mình, bên cạnh đó tôi cũng tận dụng phương pháp đứng trên vai người khổng lồ bằng cách chia sẻ bài viết vào một số group dành cho cộng đồng khởi nghiệp, chia sẻ kiến thức kinh doanh. Khi đăng vào đây sẽ tạo ra một mối quan hệ cộng sinh. Group thì có những bài viết chất lượng, tôi có thêm bạn bè, có thêm người biết về mình. Một tháng vừa rồi trang FB cá nhân của tôi có rất nhiều lượt kết bạn & theo dõi mới.=> Làm kênh nào thì phải xuất sắc kênh đó & đứng trên vai người khổng lồ.
Tại sao tôi không đăng lên một số báo, tạp chí cho OÁCH? Tôi chia sẻ những bài viết này thực tâm là muốn tặng cho cộng đồng những trải nghiệm của mình mà tôi biết nó sẽ giúp được nhiều người. Tôi không có mục tiêu trở thành một chuyên gia hãy DIỄN GIẢ (Tôi rất ghét từ này) hoành tráng nào đó. Mặc dù tôi cũng nhận thức được những bài viết của tôi sẽ làm cho hình ảnh của mình, của cty tốt hơn và biết đâu đó có vài người họ thương tình lại mua sản phẩm của Thế Giới Giấy/ Sachi farms về sử dụng hoặc giới thiệu TGG/ Sachi cho bạn bè của họ? Dù sao tôi cũng đang sống bằng nghề bán giấy vệ sinh và bán trái cây dạo mà, tôi đâu có sống bằng nghề cầm bút. => Tôi không có nhu cầu giải quyết khâu OÁCH.
Tôi không muốn lên báo nổ cho hoành tráng (cả có phí và miễn phí) vì tôi không sống bằng nghề viết lách, đào tạo, tư vấn nên tôi không cần phải cố làm cho bản lý lịch (Profile) trở nên bóng bẩy và lộng lẫy. Tôi biết cộng đồng Starup, dân công sở độ tuổi từ 22-50 hầu như ai cũng sử dụng Facebook. Vì vậy tôi chỉ chia sẻ trên FB => KH mục tiêu ở đâu thì bán ở đó.
Đến đây bạn đã áp dụng được chưa? Chỉ cần thay sản phẩm của bạn vào chỗ BÀI VIẾT của tôi thì mọi thứ nó rõ như ban ngày, cứ vậy mà áp dụng.
Khởi nghiệp hay không khởi nghiệp? Khởi nghiệp khó hay dễ? Đọc 10 bài viết của tôi rồi có nên khởi nghiệp không?… Câu trả lời là RẤT KHÓ TRẢ LỜI. 10 bài viết của tôi chỉ là những tóm tắt cơ bản nhất một người muốn khởi nghiệp cần phải trả lời trước khi bắt đầu. Với bấy nhiêu đó ít nhiều nó định hình cho bạn một hướng đi cho công việc tương lai của bạn. Nó không đơn thuần chỉ dành cho khởi nghiệp mà nó cũng rất cần thiết cho những ai đang đi làm công ăn lương. Nó giúp bạn trả lời 2 câu hỏi: (1) Tôi là ai? và (2) Tôi phải làm gì, rèn luyện những gì để vượt trội và vươn lên so với phần còn lại?
KHÁC BIỆT CỦA TÔI LÀ GÌ?
- Đầu tiên, các bài viết của tôi không theo một quy củ, logic nào và cũng không có bất kỳ vấn đề nào được định nghĩa rõ ràng trước khi đi sâu về phân tích nó. Nó đơn giản là những trải nghiệm thực tế mà tôi đã áp dụng vào công việc trong suốt hơn 10 năm làm kinh doanh và đặc biệt nó có từng bước, từng câu hỏi để giải quyết cụ thể từng vấn đề một. => Cải tiến một sản phẩm cũ để áp dụng cho một thị trường cũ.
- Thứ 2, các thuật ngữ trong bài viết được Việt hóa, thậm chị là đời thường hóa để người đọc không thấy hoạt động kinh doanh nó khác xa quá nhiều với cuộc sống hàng ngày, đa số người đọc ai cũng hiểu. Nếu những từ tiếng Anh khi Việt hóa nó không rõ nghĩa hoặc khó hiểu thì tôi sẽ không sử dụng. => Cá nhân hóa theo khách hàng mục tiêu & xây dựng giá theo mong muốn của khách hàng.
- Thứ 3, tôi không sử dụng những thuật ngữ bằng tiếng Anh. Nếu tôi sử dụng các thuật ngữ bằng tiếng Anh thì sẽ làm cho nhiều người cảm thấy ức chế hoặc mất hứng vì vừa đọc vừa phải tra từ điển. Thậm chí tra từ điển cũng không ăn nhập vào đâu, không hiểu gì cả. Ví dụ như insight dịch ra là “Sự thật ngầm hiểu”, sự thật ngầm hiểu là gì thì không nhiều người trả lời được; Segmentation customer là “Phân khúc khách hàng’’ cũng rất khó giải thích; Positioning là “Định vị” nhưng định vị là gì thì đầy người phải vò đầu bứt tai vì nó; Business model là “Mô hình kinh doanh’’ là toàn bộ kiến thức trong bài 6, bài mà tôi nhận được nhiều comment nói rằng nó hoàn toàn lý thuyết tào lao, trên đời không có loại hình kinh doanh như vậy cả!? Và còn hàng trăm từ khóa khác nữa trong series bài viết nếu không đời thường hóa để đưa vào bài viết thì người đọc sẽ rất nhức đầu. => Lấy khách hàng làm trung tâm, đặt mình vào vị trí của khách hàng.
- Thứ 4, nếu sa vào sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành hoặc định nghĩa về nó thì rất có thể tôi sẽ rơi vào một cuộc cái vã, tranh luận không đầu không cuối với những ông thầy dạy các bộ môn về quản tri, kinh doanh, marketing ở các trường đại học. Chưa kể tôi chưa có tuổi để nói chuyện về các vấn đề chuyên sâu mà các bậc đàn anh đã khẳng định được vị thế số một trong lĩnh vực của mình. Nói về thương hiệu chắc chắn phải nói đến anh Sơn Đức Nguyễn; Nói về chiến lược thì chắc chắn phải nhắc anh Long Nguyen Huu; Nói về cải tiến, cắt giảm chi phí chắc chắn phải nhắc tới anh Tran Dinh Cuu; Nói về trải nghiệm khách hàng chắc chắn phải nhắc tới anh Nguyễn Dương; Nói về thay đổi tư duy, tố chất của người lãnh đạo chắc chắn phải nhắc đến anh Loan Văn Sơn; Nói về mô hình kinh doanh chắc chắn phải nói đến anh Lam Binh Bao. => Né cạnh tranh trực diện với các ông lớn.
DÒNG TIỀN ĐẾN TỪ ĐÂU?
Các bài viết của tôi ít nhiều đã mang lại giá trị nhất định cho một số người đọc. Chính vì vậy mà số người theo dõi trang FB cá nhân của tôi cũng tăng lên đáng kể, chỉ số tin tưởng vào cá nhân tôi cũng tốt hơn. Biết đâu đó một ngày nào đó tôi rao bán đông trùng hạ thảo cho quý ông và thuốc làm hồng… cho chị em lại đắt hàng => Dòng tiền đến từ bán hàng online.
Những bài viết của tôi mới chỉ ở mức “gợi mở’’. Nếu đào sâu những vấn đề này, có những chủ đề cần phải viết thêm có khi cả chục bài mới hết, nếu chia sẻ offline thì mỗi chủ đề này phải tốn cả ngày, thậm chí vài ngày để nói. => Biết đâu đó trong tương lai tôi lại hành nghề chia sẻ và có thu nhập từ mảng này?
Sau series bài viết của tôi thì ít nhiều có thêm người biết về Thế Giới Giấy và Sachi farms. Biết đâu đó có người đã mua sản phẩm của chúng tôi cho cơ quan, gia đình mình sử dụng hoặc giới thiệu chúng tôi cho bạn bè của họ!? Nhiều người nói tôi dùng bài viết để quảng cáo trá hình. Nếu bạn muốn, bạn cũng có thể viết bài để quảng cáo trá hình như tôi, không sao cả. Miễn là mình tạo ra giá trị cho người khác thì người khác sẽ tạo giá trị cho mình. => Dòng tiền đến từ việc TẠO GIÁ TRỊ/ SỰ CHO ĐI.
SỬ DỤNG VỐN NHƯ THẾ NÀO?
Vốn liếng, kiến thức có được suốt những năm tháng cày bừa cần mẫn, thậm chí đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí sinh mạng được tôi chia sẻ ở đây để dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp. Và tôi kỳ vọng thông qua những bài viết này họ sẽ áp dụng vào công việc, doanh nghiệp của họ để tạo ra sự bứt phá, tạo ra giá trị cho chính mình và cho cộng đồng. => Tập trung vào một mục tiêu & đầu tư cho đội ngũ.
Trong các bài viết tôi sử dụng các hình ảnh chụp rất đời thường, không trau chuốt chỉnh sửa. Có tấm hình vợ tôi chụp lúc chơi đánh bài quẹt lọ với đám trẻ con nhà tôi nhiều người còn nói giống gã ăn mày Tư Mã Ý lúc mới theo Tào Tháo. Nhiều người nói với tôi bỏ ra ít tiền thuê người chụp cho bộ ảnh cho đẹp để làm thương hiệu như vậy sẽ tốt hơn, người ngoài nhìn vào sẽ dành nhiều sự tôn trong hơn. Tôi biết điều đó, cũng như việc bạn đầu tư nhiều cho văn phòng, xe cộ thì nhìn bề ngoài sẽ hoành tráng, bóng bẩy hơn. => Bề ngoài hoành tráng nhưng bên trong không có gì, lo ăn từng bữa. Kiểu múa kiếm mà không có nội công.
Cuối cùng, tố chất. Tôi đã đưa tất cả những tố chất tôi có/ rèn luyện trong suốt hành trình của mình vào series bài viết. Đó là sự kiên trì, có một mục tiêu rõ ràng, một tấm lòng chia sẻ không toan tính với sự cam kết cao nhưng cũng rất quyết đoán và lạnh lùng. Những yếu tố đã làm nên sự khác biệt về con người tôi. Và tất nhiên, trong suốt hành trình các bài viết tôi luôn thể hiện lòng biết ơn đối với những người luôn đồng hành với tôi trong cuộc sống và công việc, những lời cảm ơn đến những người thầy, người bạn đã cho tôi kiến thức thông qua những khóa học hoặc những bài viết của họ.
Nói về chủ đề khởi nghiệp, quản trị và vận hành doanh nghiệp thì sẽ có rất nhiều vấn đề để viết, có khi cả trăm bài cũng không hết. Ví dụ như:
- Chọn sản phẩm kinh doanh online và offline khác nhau ko? Có gì cần lưu ý?
- Khởi nghiệp thường bắt đầu với người nhà rất nhiều, quản trị như thế nào?
- Làm thuê với làm chủ nên đi theo đường nào? Được/ mất ra sao?
- Tạo khác biệt/ chọn mô hình kinh doanh/ định vị sản phẩm… cần làm những việc gì?
- Nên chọn chiến lược giá đắt hay rẻ, lợi/ hại ra sao?
- Các bước xây dựng thương hiệu như thế nào?
- Ít tiền làm marketing như thế nào?
- Khởi nghiệp thường có những sai lầm gì?
- Coi khởi nghiệp là nghề tay trái tiền mất, tật mang?
Tôi sẽ viết dần những chủ đề khác nếu có nhiều người quan tâm và có thời gian.
Và có khá nhiều người ngỏ ý muốn tôi chia sẻ dưới dạng offline. Nếu có nhiều người quan tâm đến vấn đề này thì tôi sẽ sớm thiết kế nó. Tất nhiên nếu có chương trình này thì tôi hoàn toàn miễn phí cho các bạn, không tính bất kỳ một khoản phí nào.
Cảm ơn cả nhà đã kết nối, theo dõi và dành thời gian đọc các bài viết của tôi. Rất biết ơn những người tôi chưa từng gặp mặt nhưng luôn tương tác các bài viết của tôi.
Thanks & love for all!
- BÀI TIẾP THEO: BÀI 11: LÀM CHỦ HAY LÀM THUÊ?
#serieskhởinghiệp #chiếnlượckhácbiệt #thếgiớigiấy #ankhang #Roto #Japani #sachifarms.
Tác Giả: Mai Quốc Bình ( CEO Thế Giới Giấy)