Định vị thương hiệu là gì? Tôi thường không thích đi định nghĩa các thuật ngữ, tôi chỉ thích nói nó là cái gì? Áp dụng như thế nào để tạo ra giá trị cho khách hàng và lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có hai thuật ngữ ĐỊNH VỊ và INSIGHT – Sự thật ngầm hiểu thì tôi đọc rất nhiều định nghĩa, đa số đều rất trừu tượng, phải nhăn trán để đọc cũng không hình dung được nó là cái gì. Định vị thì còn hiểu sơ sơ, nhưng “Sự thật ngầm hiểu” thì tôi vẫn ngầm hiểu từ khi học lần đầu vào 2004 đến nay vẫn ngầm. Bài hôm nay tôi sẽ nói về định vị.
Theo Philip Kotler thì “định vị thương hiệu là tập hợp các hoạt động nhằm mục đích tạo ra cho sản phẩm và thương hiệu sản phẩm một vị trí xác định (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng”. Còn theo Marc Filser “Định vị thương hiệu là nỗ lực đem lại cho sản phẩm một hình ảnh riêng, dễ đi vào nhận thức của khách hàng. Hay cụ thể hơn, là điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng liên tưởng tới mỗi khi đối diện với thương hiệu của mình”.
Hai ông định nghĩa cao siêu quá, nói thật là tôi không hiểu.
Định vị là gì? Theo tôi, định vị là từ ghép. Định là xác định, vị là vị trí. Vậy, “Định vị là cái mà doanh nghiệp xác định mình muốn chiếm một vị trí trong đầu, trong suy nghĩ của khách hàng để khi có nhu cầu hoặc ai đó nói về doanh nghiệp thì gần như ngay lập tức khách hàng sẽ liên tưởng về điều đó”. Tất nhiên, trong tình huống này doanh nghiệp là đại từ tôi dùng chung. Nó đúng cho cả cá nhân, tổ chức khác doanh nghiệp, quốc gia. Ví dụ như:
- Khi nói đến xe máy Honda người ta liên tưởng ngay đến BỀN, TIẾT KIỆM NHIÊN LIỆU.
- Khi nói đến xe máy Yamaha, người ta liên tưởng ngay đến KIỂU DÁNG THẾ THAO.
- Khi nói đến xe oto Mercedes, người ta liên tưởng ngay đến SANG TRỌNG, ĐẲNG CẤP.
- Khi nói đến xe oto Toyota, người ta liên tưởng ngay đến BỀN, TIẾT KIỆM NHIÊN LIỆU.
- Khi nói đến dầu gội Clear, người ta liên tưởng ngay đến TRỊ GẦU.
- Khi nói đến dầu gội Sunsilk, người ta liên tưởng ngay đến ÓNG MƯỢT.
- Khi nói đến dầu gội X-men, người ta liên tưởng ngay đến NAM TÍNH
- Khi nói đến các sản phẩm xuất xứ Nhật Bản, người ta liên tưởng ngay đến BỀN.
- Khi nói đến các sản phẩm xuất xứ Đức, người ta liên tưởng ngay đến CHẤT LƯỢNG.
- Khi nói đến các sản phẩm xuất xử Trung Quốc, người ta liên tưởng ngay đến GIÁ RẺ.
- Khi nói đến người Nhật, người ta liên tưởng ngay đến TÍNH KỶ LUẬT
- Khi nói đến người Isarel, người ta liên tưởng ngay đến TÍNH SÁNG TẠO.
Vân vân, mây mây… có hàng ngàn ví dụ về định vị thương hiệu khác của các doanh nghiệp/ cá nhân/ tổ chức/ quốc gia, nếu chịu khó để ý bạn sẽ nhận ra. Tất cả những sự liên tưởng trên đây không phải nó sinh ra một cách ngẫu nhiên, cũng không phải “hữu xạ tự nhiên hương” mà có.
Đó là một chiến lược bài bản, một kế hoạch dài hơi và vô cùng bền bỉ. Phải từng bước, từng bước một, phải dùng đủ thứ chiến lược, chiêu trò, thủ thuật, tốn kém hàng tấn tiền, vừa tấn công trực diện, quảng cáo quăng bom, nhẹ nhàng vuốt ve… mới từ từ, từ từ nó đi vào các nơ ron thần kinh của khách hàng mục tiêu. Từ đó nó hình thành nên nhận thức, phản xạ vô điều kiện và rồi nó đi vào tiềm thức của khách hàng. Để rồi cứ mỗi lần có ai đó vô tình hay cố ý chạm vào thì nó phát quang ra một cách tự nhiên.
Các phương pháp định vị thương hiệu
Có rất nhiều phương pháp định vị khác nhau, có thể liệt kê như sau:
- Định vị dựa vào tính năng sản phẩm
- Định vị dựa vào giải pháp
- Định vị theo chất lượng, tính cách
- Định vị dựa vào đối thủ
- Định vị dựa vào giá trị
- Định vị dựa vào công dụng
- Định vị dựa vào cảm xúc
- Định vị dựa vào khách hàng mục tiêu.
Bạn có thể sử dụng một trong các phương pháp kể trên hoặc có thể áp dụng hỗn hợp nhiều phương pháp với nhau. Điều quan trọng nhất là nó phải:
- Phù hợp với sở trường của bạn;
- Đối thủ cạnh tranh chưa có hoặc có nhưng rất yếu;
- Khách hàng dễ hình dung, cảm nhận về nó;
- Phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn nhắm tới;
- Có khả năng triển khai thực tế. Bạn muốn người ta nhớ, nghĩ về bạn cái gì thì bạn phải bắt đầu từ cái đó rồi gắn nó vào các yếu tố liên quan để xem nó có khả thi hay không?
Một khi cân đo đong đếm các yếu tố xong nếu bạn cảm thấy nó khả thi thì bắt tay vào triển khai nó bắt đầu từ công tác ươm mầm đầu tiên.
Bài viết quá dài rồi nên tôi dừng ở đây để bạn không thấy ngán. Nếu bạn hứng thú, phần tiếp theo tôi sẽ phân tích sâu và lấy các vị dụ thực tế để bạn hiểu rõ việc áp dụng phương pháp định vị nêu trên như thế nào (hãy để lại ÁM HIỆU gì đó cho thấy bạn còn hứng thú nhé). Các ví dụ sẽ là các tình huống 100% Made in Vietnam. Tôi sẽ không lấy các ví dụ về các thương hiệu đình đám trên thế giới vì tôi thấy nó khác xa Việt Nam về hoàn cảnh lịch sử và nguồn lực tài chính.
Tất nhiên, tôi không phải là chuyên gia về thương hiệu, marketing và cũng không hành nghề tư vấn nên tôi chỉ viết dựa trên những gì tôi hiểu và tôi đang làm. Nếu chưa hay bạn cứ góp ý bằng cách cmt bên dưới để tôi học hỏi thêm và nâng cấp mình nhé.
Dịch bệnh tôi sẽ có thêm thời gian viết bài. Hy vọng bạn cũng có thời gian để căn chỉnh lại doanh nghiệp của mình để hết dịch chạy nhanh hơn.
- BÀI TIẾP THEO: BÀI 38: CÁC LOẠI KÊNH PHÂN PHỐI
#serieskhởinghiệp #chiếnlượckhácbiệt #thếgiớigiấy #ankhang #Roto #Japani #sachifarms.
Tác Giả: Mai Quốc Bình ( CEO Thế Giới Giấy)
không biết series khởi nghiệp này còn không nhỉ?
Em chào Anh Toàn, các bài mới của CEO chia sẻ đều sẽ được cập nhật tại chuyên mục này. A có thể đơn theo dõi tại đây hoặc theo dõi trực tiếp facebook của CEO (https://www.facebook.com/mquocbinh) để tương tác cùng CEO Thế Giới Giấy nhé.
Bài này hay quá,
Giải thích chân thật, dễ hiểu và sâu sắc.
Cám ơn a Bình
Cảm ơn anh Tân đã theo dõi các bài chia sẻ của Sếp Bình ạ.