– Lâu quá không gặp em, hôm nay có việc gì mà tìm anh vậy? Sao mặt mày nhìn mệt mỏi, áp lực vậy em?
- Cty em chuyên về mút xốp cách âm, chống trầy xước, hơn 7 năm rồi mà quy mô vẫn nhỏ xíu, doanh thu thì phập phù, khách hàng kiếm được rồi lại mất… Em suy nghĩ nhiều lắm, em muốn dừng lại nhưng lại thấy tiếc. Em nhượng lại cho đứa nhân viên mà nó cũng không dám nhận. Giờ muốn sang lại cho ai đó mà không biết tìm ai. Sắp hết năm rồi đang phân vân quá không biết xử lý sao nên tìm anh để được chia sẻ.
– Cảm giác này của bạn rất giống mình hơn 10 năm trước, rất lưỡng lự. Đứng trước quyết định rất khó khăn kiểu “bỏ thì thương, vương thị nặng’’. Thà là “đau một lần rồi thôi’’, nó chết cái rụp cho dễ tính. Đằng này nó sống không ra sống, chết không ra chết, cứ sống lay lắt rất mất công.
– Thật sự trong hoàn cảnh này mình cũng rất khó xử, không biết khuyên bạn thế nào cả. Nếu khuyên bạn dẹp đi rồi đi kiếm việc làm cho khỏe thì không đúng với tính cách của mình. Đó là phải có một ý chí gan lỳ, chiến đấu đến cùng, chấp nhận đánh đổi để gây dựng sự nghiệp. Nhưng khuyên bạn tiếp tục thì mình sợ lại kéo dài nỗi đau của bạn vì mình thấy bạn ấy đã rất mệt mỏi, không còn động lực chiến đấu, không còn khả năng truyền lửa cho chính mình và đội ngũ của mình.
– Tôi hỏi “Tại sao em lại khởi nghiệp kinh doanh? Nếu biết trước những nghịch cảnh của ngày hôm nay thì em có dẫn thân làm kinh doanh không?’’
- Bạn nói rất nhiều, nhưng tóm lược lại cơ bản là: Ngày xưa em đi làm công thấy công ty mua vào 10 đồng, bán 13, 14 đồng mà lương bọn em được nhận tính ra có 3 – 4 đồng nên em nghĩ mình ra mở công ty chỉ cần bán 11 – 12 đồng là lời to rồi. Giờ em cũng muốn dừng rồi hai vợ chồng em đi kiếm việc làm lại. Thu nhập ít cũng vài ba chục triệu mà chẳng áp lực, lo lắng gì. Tuy nhiên, có 02 vấn đề em suy nghĩ nhiều (1) Em tiếc những chi phí, công sức đã bỏ ra giờ không chuyển lại được cho ai thì tiếc quá; (2) Giờ mà nói mình làm ăn bị phá sản cũng ngại chỉ mong ai đó sang nhượng lại công ty mình để khỏi mang tiếng phá sản.
– Qua những gì bạn nói chứng tỏ bạn ấy đã rất mệt mỏi, không còn niềm tin vào công việc của mình, tương lai phía trước một mù không lối thoát. Bạn chưa dừng lại được là vì tiếc chi phí, công sức đã bỏ ra và vì sỹ diện. Cuối cùng tôi đã khuyên bạn “HÃY TỪ BỎ”. Thà chết sớm đi còn tuổi trẻ, thời gian, tương lai và thậm chí kiếm cơ hội khởi nghiệp về sau. Hai vấn đề của bạn giải quyết không khó.
- Vấn đề thứ nhất, em tiếc những chi phí em đã bỏ ra mà không dám dẹp bỏ. Vậy nếu em tiếp tục duy trì thì chi phí bỏ ra ngày càng nhiều, lúc đó sự tiếc nuối ngày càng lớn, thời gian, công sức mất nhiều hơn, cơ hội ít đi… Vậy em nghĩ nên dừng hay đi tiếp?
- Vấn đề thứ 2 là sỹ diện, đã làm kinh doanh là phải chấp nhận dẫn thân, bỏ sỹ diện đi. Sỹ diện nó không làm em giỏi lên và cũng không làm em giàu lên. Em nhìn tỷ phú số một Việt Nam kìa, những mảng kinh doanh không hiệu quả họ cắt cái rụp và tuyên bố ngừng hoạt động, ông ấy có nghĩ đến sỹ diện không? Anh nghĩ là có, nhưng sỹ diện của ông ấy không quan trọng bằng sự tồn vong của doanh nghiệp. Nó không là gì cả so với lời hứa và trách nhiệm với cổ đông, với chính mình. Chưa kể em có thể rao bán công ty em với giá 1,000đ trên các trang giao dịch mua bán doanh nghiệp. Có rất nhiều người muốn mua những công ty có 5-6 năm kinh nghiệm như cty em để dễ dàng đấu thầu này nọ. Biết đâu đó gặp người hào phóng lại trả cho em 10 triệu, 100 triệu, thậm chí hơn!?
Tóm lại, thương trường cũng là chiến trường. Đã chấp nhận dẫn thân thì phải dám chấp nhận mọi kết quả. Đó là thắng thua, đó là sỹ diện, đó là tình cảm… Và khi đã thất bại thì phải biết dừng kịp thời để giảm thiểu thiệt hại, còn những vấn đề khác hãy dẹp qua một bên. Tào Tháo từng nói “Làm tướng không trải qua vài lần thất bại thì làm sao mà biết làm thế nào để chiến thắng? Chấp nhận chiến thắng được thì chấp nhận thất bại được”.
- Hãy mạnh mẽ chấp nhận đau thương, bước qua nghịch cảnh để tiến về phía trước. Trong bối cảnh này, tố chất này lại thật sự rất cần thiết.
BÀI TIẾP THEO: BÀI 40: TINH THẦN DOANH NHÂN
#serieskhởinghiệp #chiếnlượckhácbiệt #thếgiớigiấy #ankhang #Roto #Japani #sachifarms.
Tác Giả: Mai Quốc Bình ( CEO Thế Giới Giấy)