Trước đây em đi làm ở Bình Dương, vừa rồi em xin nghỉ việc và về quê lập công ty với định hướng là mong muốn đóng góp sức lực giúp thay đổi nền tảng tư duy, phát triển kinh tế quê nhà. Công ty em tên là Công ty cổ phần xúc tiến thương mại XXX nên em muốn nhờ anh tư vấn – Đó là câu mở đầu của cậu thanh niên đồng hương khi gặp tôi.
- Anh không chắc anh có thể giúp được em nhưng anh nghĩ anh có thể cho em vài lời khuyên. Công ty em kinh doanh lĩnh vực gì? Khách hàng, thị trường mục tiêu là ai?
Em mới thành lập công ty. Ấp ủ của em là tạo ra một hệ sinh thái giá trị với dự định là phân phối các mặt hàng chất lượng, giải pháp tối ưu kinh tế để mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng chính là người dân quê mình. Em mới thành lập công ty nên phần chọn sản phẩm cụ thể em cũng đang tự tiến hành đi thị trường để nắm bắt nhu cầu thực tế. Kế hoạch của em là phải phân phối ít nhất 3 sản phẩm vào thị trường từ tháng 10 tới – Nguyên văn.
- Hả? Em thành lập công ty mà em chưa biết mình sẽ bán cái gì, bán cho ai và bán ở đâu? Tại sao em lại mở công ty khi chưa có bất kỳ thứ gì trong tay, ngay cả ý tưởng?
Công ty em làm về thương mại, em lập công ty vì em muốn mình làm việc trên cơ sở đàng hoàng, có tư cách pháp nhân, sản phẩm đưa đến người dân phải là sản phẩm chất lượng, hướng đến mục tiêu là mang những gì tốt nhất đến với quê hương. Em muốn làm cái gì đó để thay đổi và phát triển quê hương.
- Thương mại có hàng trăm lĩnh vực và hàng ngàn ngành hàng, em không thể làm hết được mọi thứ. Em làm tốt được một hai ngành hàng đã là xuất sắc lắm rồi. Thành lập công ty nó rất dễ, 1 tuần là xong, đàng hoàng hay không là do em chứ không phải cứ thành lập công ty là đàng hoàng và không thành lập công ty là không đàng hoàng. Quan trọng là: công ty đó sinh ra để làm gì? Làm sao để tồn tại và phát triển? Em phân phối cái gì? Bán cho ai? Tại sao người ta mua hàng của em mà không phải của người khác? Mong muốn của em là một chuyện, xã hội khách hàng có cho em cơ hội để em làm lại là chuyện khác.
Em đang định phân phối hàng tiêu dùng, phân bón các loại anh ah, cũng chưa biết thế nào?!
- Nếu em phân phối hàng tiêu dùng và phân bón thì em phải xem dung lượng thị trường ở quê có đủ lớn không? Nhu cầu cụ thể của người dân ở đó về chất lượng giá cả ra sao? Mặt hàng nào họ đang cần mà chưa có người cung cấp (hoặc ít cạnh tranh)? Những người đang làm phân phối ở đó có sống nổi không? Theo anh quan sát thì ở quê dân số quá ít, chủ yếu người già và trẻ em nên sức mua ít, trong khi mật độ dân số quá thưa, địa bàn quá rộng. Đó là chưa kể ở thị trấn có những NPP lĩnh vực này có hàng chục năm kinh nghiệm và có rất nhiều tiền, em xem em trụ với họ được bao lâu? Và cái tệ nhất là mua gói mì tôm từ mùa xuân chờ đến mùa hè có lúa bán mới trả nợ.
Em muốn thay đổi, giúp quê hương phát triển có nhiều cách. Anh gợi ý cho em một vài cách sau em xem cái nào phù hợp với em nhé. Lưu ý hãy tập trung vào sở trường, sở thích, điểm mạnh của em, đừng có lấy anh hay những người xung quanh em làm chuẩn.
Đầu tiên, ở Trung Quốc họ có một chính sách để phát triển nông thôn đó là giao 500 huyện nghèo nhất cho 500 doanh nghiệp giàu nhất. Doanh nghiệp giàu nhất sẽ quản lý huyện nghèo nhất, doanh nghiệp giàu thứ 500 sẽ quản lý huyện nghèo thứ 500. Tổng giám đốc các doanh nghiệp sẽ kiêm luôn chủ tịch huyện để xây dựng chính sách phát triển địa phương. Vậy thì em có thể đến những nơi xa xôi (như Bình Dương trước đây chẳng hạn) kinh doanh, làm giàu sau đó về đầu tư để thay đổi, phát triển quê hương. Nhiều DN Việt Nam cũng đang làm theo cách này.
Tiếp theo, em có thể tìm hiểu, nghiên cứu một vài loại giống cây trồng, vật nuôi nào đó phù hợp với địa phương, đưa vào nuôi trồng nếu cho hiệu quả kinh tế cao thì có thể bàn giao, hướng dẫn cho người dân quê hương cùng làm giàu. Phương pháp này rất phổ biến, có rất nhiều người đã thành công, em tham khảo vài ví dụ dưới đây.
- Anh có ông cậu họ trước đây nuôi nhím ở huyện Con Cuông, Nghệ An và giàu lên nhanh chóng, sau đó cả huyện nhà nào cũng nuôi nhím.
- Hôm qua anh đọc câu chuyện một anh nông dân ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình làm giàu nhờ nuôi ếch, giờ cả xã ai cũng nuôi ếch và giàu có hơn.
- Rồi có một bạn ở Phú Yên học ngành xây dựng, vì yêu quê hương nên anh ấy về quê nuôi vịt trời, giờ quê hương bạn đó nhà nhà làm giàu từ nuôi vịt trời.
- Anh quen một anh bạn đồng hương đang đi làm công chức ngon lành rồi nghỉ việc về nuôi thỏ, giờ anh bán thỏ giống, thỏ thịt đi khắp nơi mỗi tháng hàng ngàn con.
- Anh con bác của anh học ngành điện lực, đi làm mấy năm rồi giờ về khởi nghiệp nghề nuôi ốc bươu, anh ấy có thể trở thành tỷ phú hay không thì anh chưa dám chắc nhưng ít nhất là giờ ốc thịt, ốc giống nuôi không đủ bán.
- Cuối cùng, em có thể làm một việc đúng như tên công ty em đó là đầu tư xúc tiến thương mại. Em tổng hợp các đặc sản, danh lam thắng cảnh của quê hương để đưa lên web, báo đài để kéo khách du lịch, mang các đặc sản đó đi chào mời, tiếp thị giới thiệu từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra ngoài nước để tiêu thụ cho người dân, giúp quê hương giàu lên… Anh thiết tha với quê hương lắm mà vướng nhiều thứ nên chưa làm được gì ngoài mấy việc lặt vặt về an sinh. Anh loay hoay mãi mà chưa làm được gì, thấy thật hổ thẹn với quê hương. Anh hy vọng em sẽ làm được.
Khởi nghiệp đừng nghĩ gì to tát, lớn lao, muốn thay đổi xã hội thì hãy thay đổi mình trước; muốn làm giàu cho người khác thì hãy làm giàu cho mình trước; muốn giúp đỡ cộng đồng thì hãy tự cứu lấy mình trước. KHỞI NGHIỆP không chỉ đơn giản là đăng ký THÀNH LẬP MỘT DOANH NGHIỆP. Khởi nghiệp hãy dám tiên phong để dẫn đầu.
Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào?
- BÀI TIẾP THEO: BÀI 13: SẢN PHẨM TỐT TẠI SAO KHÔNG BÁN ĐƯỢC?
#serieskhởinghiệp #chiếnlượckhácbiệt #thếgiớigiấy #ankhang #Roto #Japani #sachifarms.
Tác Giả: Mai Quốc Bình ( CEO Thế Giới Giấy)