Làm công nghiệp thời này mà không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ lấy gì mà ăn? Làm nông nghiệp giờ mà không sử dụng chất tăng trưởng thì làm sao mà đủ sản lượng cung cấp? Chăn nuôi bây giờ mà không sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, cám tăng trọng, vaccine… thì giá trên trời bán cho ai? Đó là những phản hồi, tranh luận, ý kiến của rất nhiều người khi tôi viết bài CON GÀ DÃ MAN & TÀN ĐỘC
Tôi không ngờ bài viết đã có hàng ngàn lượt chia sẻ (trên trang của tôi và group Khởi nghiệp nông nghiệp), tạo ra rất nhiều tranh luận trái chiều, có người đồng tình ủng hộ, có người kịch liệt phản đối vì cho rằng tôi viết như vậy là chụp mũ, giết chết cả một nền nông nghiệp. Thậm chí bài viết được nhiều trang thông tin điện tử và kênh Youtube biên tập và đăng tải (mặc dù không hỏi ý kiến tôi). Tôi rất cảm ơn những người ủng hộ bài viết của tôi. Nhưng tôi cũng rất thông cảm và hiểu cho lý do tại sao nhiều người phản đối, ném đá tôi. Để hiểu tại sao có người ủng hộ, có người phản đối, chúng ta cùng phân tích các vấn đề dưới đây nhé.
Đầu tiên, tại sao các loại giống cây trồng & vật nuôi ngày nay lại phải sử dụng nhiều hóa chất và chất tăng trưởng?
Tại sao ngày xưa cha ông ta trồng không hóa chất, không thuốc sâu, không chất kích thích nhưng cây trồng, vật nuôi vẫn sống và phát triển ngon lành, còn ngày nay thì không có ăn? Đơn giản vì ngày xưa chỉ sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi thuần chủng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng mang tính địa phương của từng vùng. Chất lượng giống thuần chủng ổn định, sức đề kháng rất mạnh mẽ, cây càng trưởng thành sản phẩm càng chất lượng. Nguồn thực phẩm tự nhiên này cũng cung cấp cho con người nguồn sinh lực mạnh mẽ nên ít bệnh tật hơn. Đối với cây trồng, nông dân thu hoạch rồi giữ giống cho mùa vụ sau, cứ như vậy đời này đến đời khác. Nhược điểm của giống thuần chủng lâu được thu hoạch, sản lượng thấp, mẫu mã đơn điệu, giá cao.
Ngày nay bạn có thấy bưởi da xanh có thể trồng ở miền Bắc, vải thiều trồng ở miền Tây và gà Đông Tảo ở đâu cũng có không? Tức là cây trồng, vật nuôi có thể thích nghi với mọi loại thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng. Đó là chưa kể nhu cầu ngày càng tăng, sản lượng yêu cầu phải lớn, mẫu mã yêu cầu phải đa dạng nên buộc con người phải sử dụng các giống lai tạo. Ví dụ, mít Thái ra quả quanh năm, nhanh ra quả, năng suất cao. Nhưng đó là trong trường hợp bạn mua cây giống mít Thái ghép về trồng, còn nếu bạn lấy hạt trồng thì chưa chắc đã có trái, hoặc có trái nhưng hạt lận ra ngoài múi, hoặc múi bở như mít mật nhưng ăn không ngọt… Mít Thái nói riêng và những loại cây ăn quả ngắn ngày nói chung hiện nay là giống cây lai ghép, nó sẽ bị thoái hóa giống ngay từ đời F2, nếu tiếp thì không còn khả năng duy trì nòi giống.
Hoặc ví dụ như các giống lúa lai tạo ngày nay có năng suất cao, có thời vụ ngắn, thơm hơn, dẻo hơn lúa gạo truyền thống. Cứ vài năm, các giống lai tạo này lại được thay thế bằng các giống lại tạo khác. Nếu tiếp tục dùng hạt lúa thu hoạch ngoài đồng và tiếp tục gieo trồng thì sẽ không giữ được năng suất cao, không chịu nổi sâu bệnh, phải dùng nhiều thuốc & phân bón hơn, thậm chí là lúa không ra bông, nếu ra bông thì cơm không ngon nữa. Vì vậy, mỗi mua người nông dân lại phải mua giống F1 chứ không thể dùng các thế hệ F2 về sau làm giống.
Hoặc như giống gà bây giờ gà ta (gà ri thuẩn chủng rất ít). Nếu là gà ta thì thường được lai với gà chọi, gà Đông Tảo, Tam Hoàng… khi lai tạo như vậy thì tính thuần chủng không còn và sức đề kháng yếu đi nên phải tăng cường kháng sinh, các loại thức ăn tăng trọng thì con gà mới chống chọi được với bệnh tật để sống sót và lớn được.
Thứ 2, Cơ hội nào cho nông nghiệp sạch?
Như phân tích trên đây thì cơ hội cho nông nghiệp sạch không còn? Làm nông nghiệp sạch không có khả năng tồn tại? Câu trả lởi là CÓ, LÀM ĐƯỢC nhưng KHÔNG DỄ và LỢI NHUẬN KHÔNG NHIỀU như kiểu nuôi trồng quy mô công nghiệp sử dụng chủ yếu kháng sinh và chất tăng trưởng. Có một số cách làm như sau:
(1) Nếu bạn không xen canh, không chăn nuôi thì cũng đừng cuốc cỏ và cũng đừng xịt thuốc diệt cỏ, chỉ xịt một vài lần thuốc sâu ăn lá/ đục thân trong năm là được. Trong thuốc diệt cỏ có thành phần chất dioxin (chất độc da cam), một loại chất kịch độc, nếu bạn sử dụng coi như bạn tự đầu độc mình. Tôi đi nhiều vườn xoài, bưởi, mít, chôm chôm, thanh long thấy người ta dùng thuốc xịt cỏ lưu dẫn đến cả một bụi tre lớn mà cũng cháy trắng mà thấy rùng mình sởn gai ốc. Cỏ có tác dụng giữ ẩm vào mùa khô, chống xói mòn vào mùa mưa. Cứ 3- 6 tháng bạn đưa máy cắt đi cắt cỏ một lần và tấp vào gốc cây để tăng độ mùn, độ xốp cho cây, mỗi lần bón phân đạm chỉ cần lật lớp cỏ khô đó lên và bỏ xuống rồi lại đậy vào. Riêng việc làm này mỗi năm bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền mua phân bón và thốc diệt cỏ. Nhưng làm nông nghiệp mà chỉ trông chờ vào một nguồn thu duy nhất (ví dụ như trái cây, vật nuôi) nếu bạn không THÚC thật nhanh để lấy sản lượng thật lớn thì khả năng sập tiệm vẫn rất cao, chắc là trên 90%.
(2), Hãy trồng xen canh cây ăn trái và cây ngắn ngày. Những vườn cây ăn trái thường trồng khá thưa, bạn có thể trồng xen canh bắp, các loại cây họ đậu, lạc, bí đỏ… sẽ rất hiệu quả. Sau khi thu hoạch xong bạn tấp xác các loại cây ngắn ngày này vào gốc cây ăn trái thì đảm bảo cây tươi tốt bạt ngàn, thậm chí còn phải hãm bớt. Như vậy việc làm này mỗi năm bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền mua phân bón và thốc diệt cỏ như phương án 1 và có thêm khoản thu kha khá từ những loại cây ngắn ngày => Khả năng sống sót và có lời kha khá, cỡ trên 50%.
(3) Cây ăn trái kết hợp với cây ngắn ngày và chăn nuôi. Thay vì xịt thuốc cỏ bạn có thể tận dụng nguồn cỏ dại trong vườn của mình làm thức ăn chăn nuôi dê, bò, heo rất hiệu quả. Cây ngắn ngày vừa là nguồn thu nhập vừa là nguồn thức ăn cho vật nuôi, phân vật nuôi bón cây vô cùng hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt nếu nuôi gà thả vườn ăn cỏ dại này sẽ làm giảm lượng thức ăn, giảm bệnh tật, tăng sức đề kháng vượt trội so với gà nuôi nhốt trong nhà tôn và cho ăn cám công nghiệp. Kết hợp cây lâu năm, cây ngắn ngày, chăn nuôi sẽ cân bằng lại hệ sinh thái, làm phát triển các loại thiên địch… sẽ giảm được rất nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư. Làm theo mô hình này khả năng sống sót và làm giàu từ nông nghiệp TỬ TẾ rất cao, cỡ trên 90%.
Đọc đến đây nhiều người sẽ gửi tặng tôi những câu nói kiểu như “Thánh bàn phím; cứ làm thử đi rồi nói; nó kinh doanh đĩa bay; họ hàng với Tề Thiên Đại Thánh…”. Tôi không hề ngạc nhiên về những câu nói kiểu này vì đến bạn bè thân quen và chính bản thân tôi lúc đầu cũng không nghĩ mình làm nông nghiệp sạch có thể sống được trong thời đại fast food lên ngôi này. Nhưng nếu có dịp, tôi mời bạn đến thăm một trong 18 nông trại của Sachi farms ở khắp miền Nam sẽ thấy những gì chúng tôi đang làm. Nông trại gần Saigon nhất là ở Củ Chi.
Vậy tóm lại là cây trồng có xịt thuốc sâu không? Vật nuôi có cho ăn cám công nghiệp không? Câu trả lời là CÓ nhưng phải đảm bảo liều lượng cho phép, hạn chế tối đa và thời gian cách ly đủ dài thì không sao cả. Ví dụ như xoài của chúng tôi mỗi năm chỉ cho ra trái từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 sang năm; Gà chúng tôi mua loại 80 ngày tuổi đã đầy đủ kháng sinh và vaccine từ các trang trại nuôi công nghiệp sau đó về nuôi cho ăn lúa, bắp hạt và đặc biệt là bắp sữa nguyên trái. Nuôi thêm khoảng 80 – 100 ngày nữa thì gà mới được xuất chuồng. còn làm như bài hôm trước tôi viết thì thật sự rất DÃ MAN & TÀN ĐỘC. Rất tiếc hiện tại đa số đang làm nông nghiệp theo kiểu dã man & tàn độc đó (tất nhiên là trong phận vi những vùng quê, những trang trại tôi đã đi và chứng kiến, không bao gồm những nông trại tôi chưa bao giờ đi và biết bên trong họ nuôi trồng thế nào). Hãy cứ làm sạch đi, bạn đừng có lấy lý do không đủ sản lượng rồi đi thúc ép cho nhanh để bán. Vì đủ sản lượng mà không đảm bảo vệ sinh và an toàn thì cũng không có ai cần đâu, thậm chí cho không ai lấy. Người dân mua những sản phẩm đó chẳng qua là vì họ không biết nên mới mua thôi chứ không phải họ mua vì họ có nhu cầu về những sản phẩm bẩn đó.
Hôm trước nhiều người bảo tôi so sánh ngu vậy mà cũng so sánh? Xăng với thuốc bảo vệ thực vật là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau mà mang đi so sánh. Tôi viết ra vấn đề lạm dụng thuốc và kháng sinh trong nuôi trồng mà không có giải pháp gì mà cũng đi viết. Hôm nay tôi trả bài các bạn giải pháp làm nông nghiệp sạch hiệu quả như vừa phân tích rồi nhé. Bài sau tôi trả lời các bạn làm sao để quản lý việc lạm dụng thuốc & kháng sinh và giải pháp nào để nông sản Việt Nam cạnh tranh được với nông sản TQ, Thailand. Phần này nó mang tính chất vĩ mô nhiều, viết cho vui để các bạn đọc chứ tôi nghĩ nó không thay đổi được gì, có khi tôi lại mang tội nói xấu… Đ và nhà nước thì nguy.
CEO CTY THẾ GIỚI GIẤY.
Bài viết liên quan
TÌM NHÀ PHÂN PHỐI TRÊN TOÀN QUỐC | 200 TRIỆU CHO MỘT TRANG MỚI.
Nếu có trong tay 200-300 triệu bạn sẽ làm gì? Nếu có 200 – 300
Th3
KHÁC BIỆT ĐỂ VƯƠN TẦM VÀ KHÁT VỌNG LỚN ĐỂ VƯƠN XA
“Nếu mình chỉ làm vừa đủ tiền để tiêu, chỉ làm để lo đủ cho
Th3
MÀY CHẲNG HỌC HÀNH GÌ MÀ THÀNH CÔNG QUÁ
Câu chuyện của hai người bạn học phổ thông dưới đây sẽ khiến nhiều người
Th7
KINH DOANH LÀ HOẠT ĐỘNG TẠO GIÁ TRỊ CHO NGƯỜI KHÁC, ĐỂ MANG VỀ LỢI ÍCH CHO MÌNH
Bài học đầu tiên và theo mãi về sau này: Hãy sáng tạo ra sản
Th7
CHỌN AI VÀ CÚNG KHAI TRƯƠNG THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TÀI?
Sáng sớm làm gà để cúng, luộc xong bà chị hốt hoảng hỏi “Sao gà
Th7
NGOẢNH NHÌN 2020 VÀ HƯỚNG TỚI 2021
Năm 2020 dịch bệnh đến bất ngờ. Tưởng chừng như đó là một thảm họa
Th7