TÔI MAY MẮN KHI RỚT ĐẠI HỌC!
Chắc chắn không đến 100%, nhưng chắc cũng trên 90% các bạn trẻ khi học hết lớp 12 sẽ mong muốn tìm cho mình một cơ hội bước đến giảng đường đại học (ĐH) vì đó như là một tấm vé thông hành để bước đến thành công, là con đường duy nhất để thay đổi số phận. Đối với nhiều bạn trẻ, thi trượt ĐH như là một thảm họa, là thất bại của cuộc đời vậy. Và đối với bản thân tôi, hơn 16 năm trước cũng không ngoại lệ, không thoát khỏi nỗi ám ảnh này.
Năm 2003, sau khi học xong cấp 3 tôi không biết mình nên nộp hồ sơ ngành gì, trường nào!? Việc làm hồ sơ phó mặc cho hai ông anh trai. Một người nộp hồ sơ cho tôi vào trường ĐH kinh tế, khoa kế toán – kiểm toán; người còn lại nộp hồ sơ cho tôi vào ngành điện công nghiệp của trường Cao đẳng (CĐ) Công Nghiệp 4 (nay là ĐH Công nghiệp TPHCM). Sau khi nhận thông báo trúng tuyển thì tôi mừng như phát điên và đi nhập học. Nhập học ở trường kinh tế, một lớp hơn 70 bạn sinh viên nhưng chỉ có mình tôi là nam. Tôi nói với ông anh rằng “lớp học gì mà toàn con gái, không có đứa con trai nào cả, em không học đâu’’. Tôi lại mang hồ sơ nhập học ở trường Công Nghiệp 4, một lớp 63 sinh viên không có lấy một bạn nữ, tôi lại từ chối nhập học vì cả lớp không có lấy một bạn nữ. Ông anh trai nói, nữ không thích, nam cũng không chịu, giờ muốn sao? Lúc đó tôi nói “em về đi ôn, sang năm thi lại và tự nộp hồ sơ”.
Năm thứ hai thi lại tôi vẫn nộp hồ sơ vào hai trường cũ nhưng lần này cả hai trường đều thi vào ngành quản trị kinh doanh. Anh trai hỏi tại sao lại nộp hồ sơ ngành QTKD, tôi chỉ trả lời đơn giản rằng “em nghe nói học QTKD ra có thể làm kinh doanh và được làm giám đốc”. Thật đau khổ khi ôn lại một năm tôi bị rớt đại học. Anh trai nói rằng, học ĐH QTKD còn không ăn thua nữa là học CĐ, ra không có việc làm đâu, hãy ôn lại một năm nữa rồi sang năm thi tiếp. Lúc đó tôi chỉ nói rằng “ôn lại có khi sang năm rớt luôn CĐ, chỉ đỗ trung cấp’’. Và do đó tôi quyết tâm đi học cao đẳng dù trong lòng chẳng sung sướng gì.
Vào học CĐ tôi thật sự rất quyết tâm để vươn lên. Trong học kỳ đầu chủ yếu học các môn đại cương liên quan đến khối A hồi cấp 3 nên tôi học khá tốt, điểm khá cao và nhiều bạn bè trong lớp nghĩ tôi đang ôn để sang năm thi lại (trong lớp tôi hồi đó nhiều bạn ở trạng thái này, nếu sang năm thi đậu ĐH thì bỏ CĐ). Có vài bạn còn cố khuyên tôi thử thi lại thêm một năm nữa, học CĐ phí quá. Lúc đó tôi rất quyết tâm và nói rằng “người ta quy định học ĐH 4 năm nhưng nếu mình học tới 6 năm mới ra trường và cầm cái bằng trung bình. Ngược lại, mình học CĐ 3 năm sau ra trường cầm cái bằng giỏi thì mình vẫn có cơ hội tốt hơn ông ĐH. Vì vậy mình sẽ cố gắng học cho ra hồn, không thi lại nữa’’.
3 năm sau ra trường đi làm và mình tiếp tục học liên thông lên ĐH. 1,5 năm học đại học liên thông với mình nó giá trị hơn 3 năm CĐ. Đó là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; đó là những vướng mắc, khó khăn trong công việc, những tình huống thực tế mang lên lớp nhờ thầy cô và bạn bè cho ý kiến, giải pháp để giải quyết vấn đề; đó là 1,5 năm tự kiếm tiền đi học, không còn phải xin tiền bố mẹ, thậm chí còn có tiền cho bố mẹ. Sau 1,5 cầm tấm bằng ĐH trên tay với 1,5 năm kinh nghiệm thực tế, trong khi bạn bè cùng thời cấp 3 cũng mới tốt nghiệp ĐH, chưa có có kinh nghiệm, đang đi tìm những công việc cao sang, không làm những công việc “bình thường’’ như bọn học CĐ, trung cấp.
Vậy đó, ngày đó tôi cũng khát khao được đi học ĐH và nếu thi đậu ĐH thì tôi cũng “không ngu gì” đi học CĐ. Nhưng sau hơn 10 năm ra trường và đi làm tôi luôn thấy may mắn vì mình đã rớt ĐH. Nhiều người có thể nói tôi ngụy biện, học dốt thì nói học dốt, còn lắm mồm – điều đó đúng nhưng tôi chẳng quan tâm.
Tôi viết bài này không phải để cổ vũ cho việc không cố gắng thi vào ĐH và cũng không phải để cổ súy hay coi thường việc học kiểu “Bill Gate bỏ học ĐH vẫn cứ giàu’’. Tôi viết để mong các bạn sĩ tử hãy xác định thật rõ năng lực, sở trường, sở thích, sở đoản của mình để có sự lựa chọn phù hợp; ĐH không phải là con đường quy nhất để có học hàm, học vị, kiến thức để bước đến thành công, đó chỉ là một con đường nhỏ trong rất nhiều con đường rộng lớn khác. Và dù học bất kỳ cái gì, làm bất kỳ việc gì hãy dành hết tâm huyết vào đó, lao động cật lực và thực thi quyết liệt thì thành quả sẽ đến.
Trên các diễn đàn đến offline và đến cả những em học sinh là bà con họ hàng của tôi đang băn khoăn nên học gì, nộp hồ sơ trường nào. Rất khó để tôi đưa ra một lời khuyên NÊN/ KHÔNG NÊN như thế nào vì nó phụ thuộc rất nhiều thứ từ năng lực, sở thích, nền tảng gia đình, điều kiện kinh tế của mỗi bạn. Tôi chỉ nói rằng, học gì không quan trọng, quan trọng là cách bạn ứng xử, thái độ bạn thể hiện trong quá trình học tập và khả năng thích ứng, tinh thần cầu thị, nỗ lực hết mình sau khi ra trường sẽ quyết định bạn sẽ thành công hay thất bại trong tương lai.
Chúc các bạn và phụ huynh sẽ có một lựa chọn đúng đắn trước bước ngoặt mới của cuộc đời.
CEO CTY THẾ GIỚI GIẤY.
Bài viết liên quan
TÌM NHÀ PHÂN PHỐI TRÊN TOÀN QUỐC | 200 TRIỆU CHO MỘT TRANG MỚI.
Nếu có trong tay 200-300 triệu bạn sẽ làm gì? Nếu có 200 – 300
Th3
KHÁC BIỆT ĐỂ VƯƠN TẦM VÀ KHÁT VỌNG LỚN ĐỂ VƯƠN XA
“Nếu mình chỉ làm vừa đủ tiền để tiêu, chỉ làm để lo đủ cho
Th3
MÀY CHẲNG HỌC HÀNH GÌ MÀ THÀNH CÔNG QUÁ
Câu chuyện của hai người bạn học phổ thông dưới đây sẽ khiến nhiều người
Th7
KINH DOANH LÀ HOẠT ĐỘNG TẠO GIÁ TRỊ CHO NGƯỜI KHÁC, ĐỂ MANG VỀ LỢI ÍCH CHO MÌNH
Bài học đầu tiên và theo mãi về sau này: Hãy sáng tạo ra sản
Th7
CHỌN AI VÀ CÚNG KHAI TRƯƠNG THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TÀI?
Sáng sớm làm gà để cúng, luộc xong bà chị hốt hoảng hỏi “Sao gà
Th7
NGOẢNH NHÌN 2020 VÀ HƯỚNG TỚI 2021
Năm 2020 dịch bệnh đến bất ngờ. Tưởng chừng như đó là một thảm họa
Th7